Khuyến mãi Khuyến mãi

Vai trò của tôn giáo trong chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay

admin
Thứ Năm, 10/08/2023

Hội thảo này nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa tôn giáo và sức khoẻ, chăm sóc người bệnh, vai trò của tôn giáo trong hỗ trợ hệ thống y tế của Nhà nước và ở các địa phương; những thuận lợi và khó khăn trong hệ thống y tế, chăm sóc người bệnh do các tôn giáo thực hiện; những triết lý trong kinh điển giáo lý, giáo luật của các tôn giáo bàn về sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ. Đồng thời qua Hội thảo sẽ giúp những người quan tâm cập nhật và chia sẻ những thông tin, các mô hình phổ biến, tích cực của một số tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong việc chăm sóc sức khoẻ và người bệnh tới các khoa học, quản lý và giữa các tổ chức tôn giáo với nhau. Từ đó rút ra những kinh nghiệm để chia sẻ và cùng bàn luận về những khó khăn cần tháo gỡ để nguồn lực tôn giáo có thể đóng góp tốt hơn trong lĩnh vực vực y tế, sức khoẻ.

Mặt khác, hoạt động học thuật này tiếp tục tạo dựng và duy trì mạng lưới các nhà nghiên cứu về tôn giáo nói chung; góp phần cập nhật những kết quả nghiên cứu mới, từ đó thúc đẩy nghiên cứu khoa học nói chung trong cả nước về tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra hội thảo này sẽ là diễn đàn kết nối các nhà khoa học với các nhà quản lý tôn giáo và một số đại diện các tôn giáo ở các địa phương khác nhau trên cả nước, từ đó có thể có những thông tin cập nhật về lĩnh vực tôn giáo trong việc chăm sóc sức khoẻ.

Khi thực hiện Hội thảo khoa học này. Chủ đề Vai trò của tôn giáo trong chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay đã sớm nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý ý ở Trung ương và địa phương cũng như một số vị chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam. Tính đến trước ngày tổ chức hội thảo, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 30 bài tham luận với các nội dung và chủ đề khác nhau.

Mặc dù các bài viết gửi đến hội thảo đề cập đến các khía cạnh khác nhau về vai trò của tôn giáo với chăm sóc sức khỏe con người, nhưng tập hợp lại có thể thấy các bài hội thảo tập trung vào ba nhóm chủ đề lớn sau:

Nhóm nội dung thứ nhất gồm các bài viết tập trung vào chủ đề: Vai trò của Kitô giáo với chăm sóc sức khỏe: Trong những bài tham luận trên, có các bài nói về vai trò của Công giáo với sức khỏe. Đó là bài tham luận của các tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương; TS Phạm Huy Thông; Ths Vũ Văn Hiếu; nhà báo Nguyễn Văn Thuyên; nhà báo Nguyễn Minh Hải và thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngoan. Trong 6 tác giả này ngoài hai nhà nghiên cứu, có tới 4 tác giả là người Công giáo và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tôn giáo của mình. Cũng vì vậy ở nhóm bài này, các bài viết có một điểm nổi bật là đều tìm ra những nền tảng từ giáo lý, Kinh thánh của Công giáo khi bàn về sức khỏe. Chẳng hạn PGS. TS Nguyễn Hồng Dương nhìn vai trò của Công giáo với sức khỏe từ việc chăm sóc và bảo vệ sự sống. Điều này được đầu tư khi hình thành thai nhi, và bảo vệ sự sống là một tín điều cũng như biểu hiện ra bằng hình thức chăm sóc sức khỏe đặc biệt của Công giáo. TS Phạm Huy Thông cho rằng chăm sóc sức khỏe đã có cơ sở lý luận từ nền tảng giáo lý, Kinh thánh của Công giáo và cho đến thực tiễn hoạt động từ thiện, nhân đạo, sức khỏe của Công giáo Việt Nam trong lịch sử và hiện nay. Từ đó Công giáo đã xuất hiện các mô hình khám chữa bệnh đóng góp tích cực cho xã hội. Trên nền tảng lý luận và thực tiễn, tác giả soi chiếu vào luật và quan điểm của Đảng để đề nghị những đóng góp quan tâm từ Nhà nước cho vấn đề này. Nhìn chung các tác giả đều nêu bật được những triết lý có tính chấn nền tảng Đức tin chỉ dẫn hoạt động Giáo hội và người giáo dân đối với sức khỏe. Ngoài ra có nhiều ví dụ số liệu hữu ích để phản ánh sự tham gia tích cực và sinh động của Công giáo với hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Ngoài các bài viết của Công giáo bàn về sức khỏe trong 11 của nhóm Kitô giáo, còn có có những bài của các tổ chức Tin lành đề cập tới chủ đề này. Đó là các bài của tác giả Bùi Việt Hùng, Nguyễn Tuấn Nghĩa, Mục sư Trần Thanh Truyện, ông Hoàng Văn Tùng đều nhấn mạnh tới nền tảng của lời dạy Chúa Giêsu về sức khỏe được nhấn mạnh trong Kinh thánh của tôn giáo mình đối với chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra các tác giả cũng không quên các hoạt động thực tiễn nổi bật của tổ chức tôn giáo mình đối với việc chăm sóc sức khỏe như các hoạt động của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam, hoạt động của Giáo hội các Thánh Hữu Đời Sau của Chúa Giêsu Ky tô ở Việt Nam. Riêng bài của Thạc sĩ Trần Thị Phương Anh, từ nghiên cứu thực tiễn của mình đã cho thấy vai trò ban đầu của tôn giáo trong hỗ trợ cai nghiện qua trường hợp Trung tâm Aquila ở Hà Nội.

Nhóm nội dung thứ hai được nhiều tác giả đề cập đến trong kỷ yếu hội thảo tập trung vào chù đề: Vai trò của Phật giáo với chăm sóc sức khỏe. Nhóm nội dung này có 6 bài đề cập. Đó là các bài của các tác giả: Thượng Tọa-Tiến sĩ Thích Thanh Huân; TS Nguyễn Văn Qúy, Ths. Ths Chử Thị Kim Phương; Ths. Kim Thanh Sản; Hà Thị Ngọc Niềm và Dương Yến Phi; Ths. Nguyễn Thành Nam; Ths. Đinh Thị May (Thích Nữ Huệ Lộc).

Nhóm bài viết này cũng cho thấy nhiều triết lý của Phật giáo đã bàn về sức khỏe rất lâu và sâu sắc. Thượng tọa, tiến sĩ Thích Thanh Huân cho rằng: Các phiền não của tâm cũng liên quan đến trí tuệ, cho thấy khả năng sống hạnh phúc hay chấp dính khổ đau; tâm bất an ảnh hưởng lớn đến thân bệnh. Và muốn chuyển hóa bệnh, con người cần phải phát triển từ bi, giữ tâm thanh tịnh; Sống giản đơn, ăn uống quân bình; tôn trọng thiên nhiên sự sống, ăn chay phóng sinh… Đồng với quan điểm này một số bài viết khác trong nhóm đều cho rằng các nguồn gốc của bệnh liên quan đến các triết lý nhân quả và triết lý Khổ đế mà Đức phật đã dạy. Loạt bài tham luận về Phật giáo với sức khỏe cũng cho biết một số vai trò chăm sóc của mô hình Tuệ tĩnh đường trong chăm sóc sức khỏe như bài của Ths Kim Thanh Sản, Nguyễn Văn Qúy

Cùng với Kitô giáo, Phật giáo là tôn giáo lớn ở Việt Nam và có nhiều gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt trong công tác chống dịch. Chủ đề Phật giáo đóng góp cho công cuộc chống dịch ở Việt Nam được sự quan tâm đề cập của một số tham luận tác giả. Qua đó cho thấy, trong đại dịch Covid -19, Phật giáo Việt Nam đã tham gia vào chống dịch qua việc định hướng tín đồ Phật tử tuân thủ các nguyên tắc chống dich, trợ giúp vật tư, thuốc men và an định tinh thần trong đại dịch. Nhìn chung, cũng như bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam với tinh thần từ bi, hỉ xả, cứu khổ cứu nạn, Phật giáo đã có nhiều đóng góp tích cực vào chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Chủ đề thứ ba trong được đề cập là: Vai trò của tôn giáo nội sinh và tín ngưỡng đối với chăm sóc sức khỏe. Chủ đề này phải kể đến các bài viết của các tác giả: PGS. TS. Hoàng Thị Thơ; Ths. Nguyễn Hữu Nhơn và TS. Võ Thị Mỹ; TS. Nguyễn Thị Quế Hương và Hoàng Thị Mai Chi; Ths Mai Thùy Anh. Qua các bài tham luận này nổi bật lên một điều là: Các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam từ lâu đã có truyền thống chữa bệnh và làm từ thiện. Đây cũng chính là những hoạt động liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe. Đối với các tôn giáo nội sinh tiêu biểu như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Minh lý đạo,.. đều có Ban từ thiện xã hội hay Y tế Phước Thiện, với nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật, những người không có khả năng tự giúp bản thân và nhóm người yếu thế trong xã hội. Trong chủ đề này, từ hoạt động thực tiễn của mình, ông Nguyễn Hữu Nhơn - Chánh hội trưởng Cao Đài Nam thành Thánh thất qua bài viết “Hoạt động thiện nguyện: Nét đẹp trong văn hóa tôn giáo Cao Đài” đã cho thấy các số liệu thiện nguyện trong đó có hoạt động khám chữa bệnh suốt mấy chục năm qua của Nam Thành Thánh Thất là rất lớn và đem lại nhiều ích lợi cho chăm sóc sức khỏe người dân. Tác giả cho rằng, gần một thế kỷ qua, Đạo Cao Đài với phương châm “Công bình - Bác ái - Từ bi”, thiết thực hơn là “Tốt Đời - Đẹp Đạo”, lãnh đạo, chức sắc, tín hữu Cao Đài luôn thực hiện “sự từ bi cứu khổ cứu nạn nhơn sanh”, luôn sẳn sàng mọi lúc mọi nơi đến với người bất hạnh. Bài viết của TS Nguyễn Thi Quế Hương cũng cho thấy bức tranh tổng quan trong hoạt động của tôn giáo nội sinh Nam Bộ với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng nơi đây. Bài viết của Ths Mai Thùy Anh cho thấy một điểm mạnh trong khám chữa bệnh của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội với hệ thống phòng thuốc Nam Phước thiện, với đội ngũ nhân lực dồi dào. Họ được đào tạo rất bài bản, thực hiện theo đúng tôn chỉ hoạt động của đạo “Phước Huệ song tu. Trong nhóm chủ đề này không chỉ bàn về vai trò của tôn giáo nội sinh. PGS. TS Hoàng Thị Thơ cũng cho người đọc biết thêm về triết lý Tam giáo trong cách chữa bệnh của danh y Tuệ Tĩnh. Ths Đỗ Duy Hưng cung cấp những thông tin hữu ích về vai trò chữa lành của tín ngưỡng Tam Tòa/Tứ phủ với những người đồng giới.

Cuối cùng là nhóm các bài viết Vai trò của tôn giáo với sức khỏe-Những vấn đề chung. Những bài viết là của các tác giả TS. Lê Tâm Đắc và Nguyễn Phú Lợi; TS Nguyễn Ngọc Mai; Ths Đỗ Mai Phương và Nguyễn Thế Nam; TS Nguyễn Ngọc Quỳnh; Ths Dương Văn Biên, TS Mai Diệu Anh; Nguyễn Phúc Quân. Những bài viết này thường không tập trung vào một tôn giáo cụ thể. Nhóm chủ đề tập trung vào hai nội dung chính. Nội dung thứ nhất, chủ yếu đề cập tới vai trò của tôn giáo với sức khỏe như: vai trò chữa lành của tôn giáo; vai trò của tôn giáo với người già, triết lý các tôn giáo về sức khỏe... Nội dung thứ hai đề cập tới các hoạt động y tế trên thực tiễn của các tôn giáo, từ đó các tác giả tham luận đưa ra những con số, dẫn chứng, cụ thể về đóng góp của tôn giáo với an sinh xã hội ở Việt Nam trong đó có lĩnh vực y tế.

Một số hình ảnh trong buổi hội thảo tại Quảng Ninh

 

 

 

Viết bình luận của bạn