Khuyến mãi Khuyến mãi

Kinh thánh tin lành bản tiếng việt 1925: lịch sử ra đời và những đóng góp về Tôn giáo, Văn hóa và Xã hội ở Việt Nam

admin
Thứ Ba, 05/12/2023

Từ năm 1890, các mục sư Tin Lành người nước ngoài đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam để thực hiện công cuộc truyền giáo. Bên cạnh việc nỗ lực thiết lập những hội thánh dành cho người Pháp theo Tin Lành ở Việt Nam, ý tưởng dịch Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước) sang ngôn ngữ bản địa sớm được triển khai, trong sự kết hợp giữa các nhà truyền giáo ngoại quốc và trí thức người Việt, với vai trò quan trọng của Thánh Kinh Hội Việt Nam. Đến năm 1925, bản dịch đầy đủ Kinh Thánh Tin Lành đã hoàn tất, được in ra bằng chữ Quốc ngữ.

Thành tựu này mở ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho truyền giáo Tin Lành ở các vùng miền ở Việt Nam thời bấy giờ, tạo tiền đề cho việc xây dựng những hội thánh của người Việt, dành cho người Việt. Cùng với sự thay đổi chính sách của chính quyền thuộc địa, việc truyền giáo, mở mang của các hội thánh đã được đẩy mạnh, đạt những thành tựu khả quan.

Nhưng Kinh Thánh bản tiếng Việt đối với người Việt bản xứ không chỉ dừng lại ở một giáo thuyết của một tôn giáo độc thần đến từ phương Tây. Kinh Thánh cũng là một nguồn tham chiếu về ngôn ngữ, tri thức, lịch sử, dân tộc, những truyện kể đầy hấp dẫn,... tạo nên những cảm hứng bất tận cho triết lý về thế giới và xã hội con người, cho sáng tác văn chương và nghệ thuật.

Rất nhiều điều cho đến nay còn chưa được làm rõ trên phương diện học thuật về quá trình dịch văn bản này, những khó khăn, rào cản đã phải vượt qua, những giải pháp về ngôn ngữ, sự đóng góp của trí thức người Việt, và những ý nghĩa, ảnh hưởng, tác động của Kinh Thánh đối với văn hóa, xã hội ở Việt Nam suốt gần một thế kỷ qua.

Đến năm 2025, các cộng đồng Tin Lành sẽ hân hoan kỷ niệm 100 năm sự kiện ra đời của bản dịch Kinh Thánh đầu tiên sang tiếng Việt. Sự kiện này đánh dấu sự hiện diện, bắt rễ của Tin Lành ở Việt Nam, với những đóng góp có ý nghĩa cho nền văn hóa bản địa, và cho sự đa dạng đầy sức sống của đời sống tôn giáo nói chung.

Trước tình hình nêu trên, điều thực sự cần thiết và có ý nghĩa là nhìn lại, phát hiện, đánh giá, khái quát hệ ý nghĩa lịch sử và đóng góp cho văn hóa xã hội và cho đời sống tôn giáo của Kinh Thánh Tin Lành phiên bản tiếng Việt. Các kết quả nghiên cứu sẽ giúp luận giải thuyết phục và sâu sắc hơn vị trí của Tin Lành trong tổng thể hệ thống các tôn giáo ở Việt Nam, và cũng làm rõ hơn giá trị của một loại hình di sản tôn giáo rất đặc biệt này.

Chính vì vậy, Thánh Kinh Hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về tổ chức một cuộc hội thảo học thuật để làm rõ những vấn đề nêu trên. Hội thảo nhằm mục đích đi sâu làm rõ những nhóm chủ đề sau đây:

(1) Quá trình dịch Kinh Thánh Tin Lành sang tiếng Việt và những nhân vật có đóng góp nổi bật. Cụ thể, bao gồm các nội dung:

- Lịch sử quá trình dịch Kinh Thánh Tin Lành sang tiếng Việt

- Những dịch giả là giáo sĩ phương Tây

- Những dịch giả, người tham gia biên dịch là người Việt

- Vai trò của Thánh Kinh Hội Việt Nam

- Nhà xuất bản và quá trình phát hành Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt

(2) Ý nghĩa lịch sử và những vai trò, đóng góp của Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt. Cụ thể, bao gồm các nội dung:

- Ý nghĩa lịch sử của Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt

- Những đóng góp của Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt cho truyền giáo và phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam;

- Đóng góp của Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt đối với đời sống tôn giáo ở Việt Nam;

- Những đóng góp và tiềm năng có thể phát huy của Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt đối với đời sống văn hóa-xã hội và sáng tác văn chương, nghệ thuật ở Việt Nam.

Việc thực hiện Hội thảo có ý nghĩa kỷ niệm 100 năm sự kiện Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt đầu tiên được xuất bản, đồng thời làm rõ và đánh giá khách quan, thỏa đáng những đóng góp của văn bản này cho lịch sử truyền giáo và phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam. Hơn nữa, Hội thảo kỳ vọng chỉ ra được những ý nghĩa lịch sử và đóng góp của Kinh Thánh Tin Lành bản tiếng Việt đối với đời sống tôn giáo và đời sống văn hóa-xã hội cũng như các sáng tác văn chương, nghệ thuật ở Việt Nam, qua đó góp phần làm giàu tri thức khoa học về lịch sử truyền nhập tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam thời cận-hiện đại. Trên phương diện nghiên cứu tôn giáo, mà cụ thể là nghiên cứu Tin Lành, bản dịch này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu trong việc nghiên cứu một cách toàn diện, cơ bản về Tin Lành. Thông qua Hội thảo, chúng ta cũng hiểu thêm về vai trò của Thánh Kinh hội trong quá trình phiên dịch, truyền bá Kinh thánh Tin Lành. Sau cùng, sự kiện học thuật có thể đóng vai trò là một diễn đàn, tạo sự kết nối, tạo mạng lưới các nhà nghiên cứu về Kinh Thánh nói riêng, về Tin Lành nói chung ở Việt Nam.

Trong suốt thời gian thông tin rộng rãi về Hội thảo, Ban Tổ chức nhận được 12 bài tham luận. Các tham luận này đến từ các nhà nghiên cứu, thuộc cả thế giới thế tục và thế giới Tin Lành. Các tham luận đã cùng nhau tập hợp được nhiều thông tin giá trị, có những thông tin là lần đầu công chúng được biết rộng rãi, về lịch sử ra đời của cuốn Kinh Thánh Tin Lành bản dịch tiếng Việt này. Các bài viết đã cho chúng ta thấy được hoàn cảnh, quá trình phiên dịch, những trí thức người Việt chẳng hạn như Phan Khôi tham gia, những sự khác biệt trong bản dịch của Tin Lành và Công giáo. Các bài viết cũng cho chúng ta rõ thêm vai trò, giá trị, ý nghĩa của Kinh Thánh Tin Lành nói chung, bản dịch năm 1925 nói riêng trên các phương diện như văn hoá, ngôn ngữ, phát triển kinh tế, giáo dục, hôn nhân, tình yêu, v.v.. Đồng thời, các tham luận cũng chỉ ra nhiều điều đáng suy ngẫm và tiếp tục khám phá về những cách thức khác nhau mà văn bản này đóng góp cho xã hội, trên các phương diện về nhận thức, đạo đức, văn hóa và lối sống.

Một số hình ảnh trong buổi hội thảo:

Viết bình luận của bạn