Hội thảo xã hội học về tôn giáo
admin
Thứ Tư,
30/08/2023
Cho đến nay, đã có nhiều cách tiếp cận về tôn giáo với tư cách là một đối tượng của nhiều ngành khoa học. Mỗi cách tiếp cận đi cùng với một ngành khoa học, với đặc thù về mối quan tâm khoa học, hệ lý thuyết và phương pháp nghiên cứu. Trong các ngành khoa học quan tâm đến tôn giáo, Xã hội học có một ví trí nổi bật, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu tôn giáo.
Từ khi ngành Xã hội học ra đời, tôn giáo đã là một trong những mối quan tâm chính. Trong cách nhìn của Xã hội học, tôn giáo là một trong những thành tố hay bộ phận cấu thành xã hội, vừa tương tác với các thành tố khác, vừa hòa nhịp vào sự vận hành của tổng thể xã hội. Xã hội học về tôn giáo thời cổ điển từ August Comte, Emile Durkheim, Max Weber, Karl Marx… đến giai đoạn gần đây như Talcott Parsons, Pierre Bourdieu, Robert Merton, Peter Berger, rồi Jürgen Habermas, Charles Taylor… đã đi tìm lời đáp cho một số câu hỏi quan trọng như: Tại sao trong các xã hội hiện đại, tôn giáo đã không suy yếu và tàn lụi? Tôn giáo thực ra có chức năng nào đối với đời sống của cá nhân và nhóm? Tôn giáo và xã hội có sự ảnh hưởng qua lại như thế nào và đâu là những quá trình đáng chú ý đang diễn ra? Tôn giáo hỗ trợ con người thế nào trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề phải đối diện hàng ngày? v.v… Trong nhận xét của Bryan Turner – một cái tên đáng chú ý trong Xã hội học về tôn giáo đương đại, sang thế kỷ XXI, Xã hội học về tôn giáo sẽ có sự phát triển đáng kể về lý thuyết và các nghiên cứu thực địa. Các kết quả mới cho thấy tôn giáo tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội, và chính trị. Ông thậm chí dự đoán rằng tôn giáo sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng trong các đấu tranh về chính trị và ý thức hệ khắp nơi trên thế giới.
Tiếp cận Xã hội học về tôn giáo được tiếp nhận và ứng dụng khá rộng rãi trong các nghiên cứu về tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt trong 3-4 thập niên gần đây. Từ xử lý các dữ liệu định tính và định lượng thu được, các nghiên cứu đã góp phần chỉ rõ vai trò, chức năng của tôn giáo trong cố kết cộng đồng, hỗ trợ cá nhân và nhóm ứng phó với đói nghèo, bất bình đẳng, thiên tai, địch họa, các vấn nạn xã hội, đồng thời phát huy các giá trị thuộc về nhận thức, đạo đức, và văn hóa, v.v… Việc nghiên cứu tôn giáo từ hệ lý thuyết và phương pháp của Xã hội học đã giúp làm giàu tri thức về vị trí, sức sống và sự cần thiết của tôn giáo đối với xã hội Việt Nam, dần thay thế quan niệm một thời phổ biến rằng tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, là lực lượng chỉ mang lại những hệ quả tiêu cực, cản trở tiến trình cải tạo xã hội. Từ cái nhìn mới, tích cực và khách quan hơn, các nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp thực tế và phù hợp cho chính sách của Đảng và Nhà nước để khai thác và phát huy chức năng tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo các mục tiêu bền vững. Đồng thời, qua đóng góp cho Xã hội học về tôn giáo, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy một kênh kết nối hiệu quả và gia tăng cơ hội hội nhập khoa học về tôn giáo với đồng nghiệp quốc tế.
Những đóng góp của cách tiếp cận Xã hội học trong nghiên cứu tôn giáo là vô cùng quan trọng, không thể phủ nhận, điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải làm rõ về cách tiếp cận Xã hội học. Trong các năm qua, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tiến hành hàng loạt các hội thảo nhằm làm rõ các tiếp cận về tôn giáo, gồm Triết học về tôn giáo (2022), Nhân học về tôn giáo (2020), Tâm lý học về tôn giáo (2021). Việc tổ chức hội thảo làm rõ tiếp cận Xã hội về tôn giáo này giúp hệ thống hóa các tiếp cận của khoa học xã hội về tôn giáo, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho giới nghiên cứu về tôn giáo trong nước nói chung, cho mối quan tâm của Tôn giáo học tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo nói riêng.
Từ các lý do nêu trên, năm nay Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xã hội học về tôn giáo”. Hội thảo tập trung: 1) Làm rõ tiếp cận Xã hội học về tôn giáo trên các phương diện các hệ lý thuyết chủ đạo; các trường phái chủ yếu; các lý thuyết gia có ảnh hưởng lớn; các công trình tiêu biểu; 2) Chỉ ra bản chất, đặc thù, các thế mạnh và cả những hạn chế của tiếp cận Xã hội học về tôn giáo; 3) Cập nhật tình hình lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, và các kết quả khảo sát của Xã hội học đương đại trên thế giới và trong nước về tôn giáo; 4) Kết nối và xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu theo tiếp cận Xã hội học về tôn giáo nói chung; thảo luận về những triển vọng, chủ đề và hướng đi mới của Xã hội học về tôn giáo ở Việt Nam.
Trong quá trình tổ chức Hội thảo, chúng tôi vui mừng nhận được hơn 20 tham luận. Các bài tham luận nhìn chung đã đóng góp theo những cách khác nhau cho các chủ đề lớn mà Ban tổ chức nêu ra. Các bài tham luận nhận được có thể chia thành 3 nhóm chính như sau: 1) Nhóm các bài về chủ đề cách tiếp cận và cơ sở lý luận, lý thuyết và phương pháp của Xã hội học về tôn giáo. Trong đó có bài viết tiêu biểu của TS. Nguyễn Xuân Nghĩa, PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng; TS. Hoàng Thu Hương; 2) Nhóm các bài viết giới thiệu về những đóng góp có tính nền tảng cho Xã hội học về tôn giáo như Emile Durkheim, Karl Marx, F. Engels, Max Weber, Robert Merton … của các tác giả như Nguyễn Khắc Đức, Lê Thị Thanh Hà, Nguyễn Thanh Thủy, Hoàng Văn Chung, Phạm Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Trang..; 3) Nhóm các bài về sử dụng tiếp cận Xã hội học về tôn giáo vào phân tích một số loại hình tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể ở Việt Nam như Phật giáo, Tin Lành, Islam giáo, tín ngưỡng truyền thống của TS.Nguyễn Ngọc Mai, TS.Nguyễn Văn Quý, ThS.Trần Thị Phương Anh, ThS.Mai Thùy Anh, ThS.Kim Thanh Sản, ThS.Nguyễn Ngọc Sơn...) Các tham luận cho thấy sự kết nối khá tự nhiên và nhuần nhuyễn giữa các thành tựu của Xã hội học về tôn giáo trên thế giới với kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của Xã hội học về tôn giáo ở trong nước.
Tuy nhiên, như chúng ta biết, xã hội Việt Nam đang gặp nhiều biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc từ các lực lượng và xu thế mang tính toàn cầu (thế tục hóa, hiện đại hóa, lý tính hóa, đô thị hóa, đa cực hóa về văn hóa, đa dạng hóa tôn giáo, chính trị hóa tôn giáo…) hay những xu trào trong nước (địa phương hóa tôn giáo, tái sáng tạo tôn giáo, tái sáng tạo cái thiêng, kết nối niềm tin và thực hành tôn giáo với các vấn đề thường ngày, tôn giáo hóa di sản và di sản hóa tôn giáo...) Theo tiếp cận Xã hội học về tôn giáo, tôn giáo là một trong những thiết chế hay thành tố của cấu trúc xã hội. Vậy chuyên ngành đã kịp thời hay chưa trong việc phân tích và làm rõ các vai trò, vị trí và chức năng hiện thời của tôn giáo trong các quá trình, xu thế nêu trên hay chưa? Và Xã hội học về tôn giáo có thể lý giải thế nào tác động của các xu thế ấy đối với cá nhân, nhóm, và xã hội? Xã hội học về tôn giáo có thể đưa ra những phán đoán, nhận định gì về biến đổi của tôn giáo trong thời gian tới?
Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy vẫn còn thiếu vắng những tham luận giới thiệu các trường phái lý thuyết mới trong tiếp cận Xã hội học về tôn giáo trên thế giới; những kết quả nghiên cứu mới về tôn giáo sử dụng tiếp cận Xã hội học. Đồng thời, vẫn còn thiếu vắng những ý kiến, thảo luận về cải tiến, thay đổi cần thiết của Xã hội học về tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã đổi mới chính sách, pháp luật về tôn giáo; trong bối cảnh hội nhập toàn cầu về học thuật; và sứ mệnh của Xã hội học về tôn giáo trong luận giải vai trò, vị trí, chức năng của tôn giáo với xã hội Việt Nam đang chịu sự tác động sâu sắc và đa chiều của các tiến trình đan xen như chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa và xã hội.
Dù sao, nhìn tổng thể, các tham luận đã góp phần làm rõ hơn bản chất và thế mạnh của tiếp cận Xã hội học về tôn giáo đối với nghiên cứu tôn giáo nói chung ở Việt Nam, và với tiếp cận Tôn giáo học hiện nay nói riêng. Các tham luận cũng gợi ý rằng tiếp cận Xã hội học có nhiều thế mạnh trong phân tích và đánh giá về tôn giáo trong xã hội Việt Nam, đồng thời có nhiều tiềm năng, còn nhiều dư địa, nói cách khác là các chủ đề có thể tiếp tục khám phá trong thời gian tới.
Với mong muốn tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về cách tiếp cận Xã hội học trong nghiên cứu tôn giáo, hội thảo này mong muốn tiếp tục thảo luận làm rõ về đối tượng nghiên cứu của Xã hội học về tôn giáo, các lý thuyết mới, các phương pháp đặc thù của Xã hội học trong nghiên cứu tôn giáo, các chủ đề, phương diện của Tôn giáo ở Việt Nam mà Xã hội học đang quan tâm nghiên cứu, v.v.. đồng thời, chỉ ra sự khác biệt giữa cách tiếp cận Xã hội học so với các cách tiếp cận khác.
Một số hình ảnh trong buổi hội thảo: