Tọa đàm khoa học với chủ đề: Tôn giáo tham gia ứng phó với các vấn nạn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
admin
Thứ Sáu,
28/10/2022
Sáng ngày 25 tháng 10 năm 2022, tại Hội trường số 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp với Trung tâm Giải cứu Aquila thuộc Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam tiến hành tổ chức tọa đàm về chủ đề: Tôn giáo tham gia ứng phó với các vấn nạn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Kể từ năm 2017, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, trong sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ ngoài nước, các tổ chức tôn giáo và giới học thuật trong nước đã khởi đầu loạt hội thảo, tọa đàm với chủ đề Đối thoại liên tôn giáo về trách nhiệm xã hội. Những hội thảo, tọa đàm như thế đã tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các tổ chức tôn giáo có thể đối thoại, giao lưu, chia sẻ và cùng tìm tiếng nói trong việc phát huy và đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của tôn giáo. Tiếp nối mạch chủ đề quan trọng này, năm 2022, Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp với Trung tâm Giải cứu Aquila thuộc Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam tiến hành tổ chức tọa đàm về chủ đề: Tôn giáo tham gia ứng phó với các vấn nạn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo trình bày dề dẫn Tọa đàm
Các vấn nạn xã luôn tạo ra những trở ngại lớn cho tiến trình xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người. Trong những năm gần đây, nghiện ma túy là một trong những vấn nạn xã hội nổi bật, là một vấn đề nóng bỏng của xã hội. Nghiện ma túy, buôn bán ma túy, các hệ lụy từ lạm dụng ma túy đi cùng các vấn nạn xã hội khác làm suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của xã hội, làm tan vỡ gia đình và gây ra nhiều hệ lụy lâu dài khác. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an tại hội thảo Chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) tổ chức ngày 11/6/2020, tính đến tháng 11/2019, cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 10.215 người so với cùng kỳ 2018). Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10 nghìn người/năm. Số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong khi đó, tính đến hết tháng 30/4/2020, cả nước mới có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động. Các cơ sở này, một mặt hoạt động trong sự quá tải, mặt khác vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Bằng chứng là tỷ lệ tái nghiện được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định là còn cao, ở mức từ 75-90% vào thời điểm năm 2012, và sau 10 năm thì cũng không giảm đáng kể, vẫn ở mức 75-77% vào thời điểm năm 2022.
Mục sư Đinh Thanh Hùng, Tổng quản nhiệm Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam phát biểu khai mạc
Những năm gần đây, một số tôn giáo được nhiều người biết đến với vai trò hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện ma túy như một hình thức hoạt động xã hội của mình. Nhiều trung tâm hay cơ sở đã được tôn giáo mở ra, giải cứu nhiều người khỏi ma túy và giúp họ làm lại cuộc đời. Điểm đáng chú ý là các trung tâm này sử dụng các biện pháp có tính thay thế (chẳng hạn như không dùng các loại thuốc cai nghiện vốn mang nhiều hiệu ứng phụ), đã mang lại những kết quả tốt và có tính bền vững. Số lượng người nghiện tìm đến các trung tâm này có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, rất thiếu những hoạt động giao lưu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như triển vọng cho khả năng tôn giáo tham gia hóa giải vấn nạn xã hội hết sức nhức nhối này. Chính các tổ chức tôn giáo lâu nay dấn thân vào hoạt động cai nghiện ma túy cũng thiếu các diễn đàn hay điều kiện để chia sẻ những gì mình đã thực sự làm được với người nghiện và gia đình của họ.
Thượng tọa Thích Thanh Huân trình bày tham luận: Mô hình cai nghiện của Câu lạc bộ Hương Sen, chùa Pháp Vân, Hà Nội
Việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm không chỉ là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức tôn giáo trong hoạt động cai nghiện, mà còn là dịp để trao đổi học thuật cởi mở và thẳng thắn giữa các nhà nghiên cứu và giới quản lý hoạt động tôn giáo, quản lý hoạt động cai nghiện nhằm tìm kiếm và khuyến nghị những giải pháp về chính sách và pháp luật để những mô hình cai nghiện hiệu qủa có thể được chính thức thừa nhận và tạo điều kiện vận hành bình thường trong thực tiễn. Đặc biệt là, việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm về chủ đề này sẽ góp phần làm rõ nguồn lực tôn giáo, phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển xã hội nói chung, trong ứng phó với các vấn nạn xã hội nói riêng.
Mục sư Nam Quốc Trung trình bày tham luận: Mục vụ phục hồi ở Trung tâm giải cứu Aquila: Kinh nghiệm, thành tựu, và triển vọng
Từ tính cấp thiết nêu trên, chúng tôi tổ chức cuộc toạ đàm này nhằm làm rõ thực trạng một số tôn giáo đang tham gia hoạt động cai nghiện, hỗ trợ cai nghiện và chăm sóc, phục hồi người nghiện. Toạ đàm cũng thảo luận triển vọng của các tổ chức tôn giáo khi tham gia hoạt động này, trong bối cảnh các hoạt động đã đạt những kết quả khả quan và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016) đã mở ra những hành lang cho tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện xã hội. Toạ đàm cũng được tổ chức nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ mô hình cai nghiện hiệu quả mà các tôn giáo đã thực hiện trong các năm qua mà xã hội còn ít được biết đến.
TS. Lê Tâm Đắc, Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm
Tọa đàm kỳ vọng làm rõ được những nội dung chính như sau: 1) Thực trạng các tôn giáo tham gia hoạt động cai nghiện và phục hồi sau cai nghiện (sự hình thành, phát triển của các trung tâm, đơn vị, cơ sở… cai nghiện; quy mô các cơ sở cai nghiện, số nhân sự tham gia; những kết quả đạt được; những tồn tại, khó khăn, hạn chế, v.v…; 2) Chia sẻ những kinh nghiệm và mô hình cai nghiện thành công với niềm tin tôn giáo (chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ người nghiện của tổ chức, tôn giáo; giới thiệu những trường hợp cai nghiện thành công tiêu biểu; trình bày mô hình cai nghiện hiệu quả mà các tổ chức tôn giáo đã triển khai trong thực tiễn. 3) Những khó khăn trong hoạt động cai nghiện với niềm tin tôn giáo hiện nay (những khó khăn, trở ngại cụ thể nào?; đâu là nguyên nhân cho những khó khăn, trở ngại ấy?); 4) Triển vọng của cai nghiện bằng niềm tin tôn giáo và những đề xuất về chính sách của nhà nước (khả năng các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động cai nghiện trong thời gian tới? Những đề xuất về chính sách, pháp luật của nhà nước để tôn giáo có thể tham gia sâu rộng và hiệu quả hơn vào hoạt động cai nghiện?).
Trong quá trình tổ chức, chúng tôi vui mừng nhận được 11 báo cáo tham luận, của cả các nhà nghiên cứu có quan tâm đến chủ đề tôn giáo tham gia cai nghiện và từ chính những cá nhân trong tổ chức tôn giáo đã nhiều năm qua trực tiếp làm công việc giải cứu người nghiện ma túy, giúp họ phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần và từng bước gây dựng lại cuộc đời với niềm tin tôn giáo, và trong vòng tay của cộng đồng tôn giáo. Về phía các nhà nghiên cứu, đáng chú ý là tham luận của TS. Lê Trung Tuấn, trong đó trình bày những phương thức khác nhau mà tôn giáo có thể tham gia cai nghiện, cũng như phương pháp tâm lý đã làm nên tên tuổi của trung tâm của mình. Tham luận của TS. Nguyễn Ngọc Mai bàn về những vấn đề đặt ra trong hoạt động cai nghiện (ma túy) ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, tác giả cũng thảo luận về những cách thức mà tôn giáo có thể tham gia cai nghiện một cách hiệu quả. ThS. Chử Thị Kim Phương có một đóng góp về Phật giáo tham gia ứng phó với nghiện ma túy, tập trung vào mô hình ở chùa Pháp Vân. ThS. Trần Thị Phương Anh qua tham luận của mình chia sẻ những kết quả khảo sát, đánh giá về hiệu quả cai nghiện ma túy từ một số nghiên cứu đã dầy công thực hiện trong thời gian qua tại Trung tâm Giải cứu Aquila.
Về phía các tôn giáo, về chủ đề cai nghiện và hỗ trợ phục hồi sau cai nghiện ma túy, có sự đóng góp của Phật giáo qua tham luận của Thượng tọa Thích Thanh Huân. Linh mục Đỗ Hữu Châu mang đến mô hình Công giáo cai nghiện của Dòng Đức Mẹ người nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mục sư Đinh Thanh Hùng cung cấp một cách nhìn rộng về vai trò của Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam với việc góp phần ứng phó, hóa giải các vấn nạn xã hội. Về các mô hình cụ thể mà Tin Lành tham gia hỗ trợ cai nghiện và phục hồi sau cai nghiện, chúng ta có tham luận của những lãnh đạo của các trung tâm hỗ trợ người nghiện như Mục sư Nguyễn Văn Cầm (Trung tâm Ân điển Sâu thoát nốt thành bướm, Thái Bình), Mục sư Nam Quốc Trung (Trung tâm giải cứu Aquila, Hà Nội), Mục sư Nguyễn Thế Trung (Gia đình Bê-tên, Hà Nội), Mục sư Lê Minh Phương (Trung tâm Giải cứu Cơ Đốc Gia đình Nissi, Hà Nội), Mục sư Lê Thanh Hậu (thành phố Hồ Chí Minh).
Chúng tôi tin chắc rằng những tham luận này mới là mở đầu cho những thảo luận lâu dài, tâm huyết về cách tôn giáo thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt thông qua dấn thân vào hoạt động hỗ trợ cai nghiện và phục hồi sau cai nghiện, giúp người nghiện làm lại cuộc đời. Từ việc phân tích được thực trạng, chỉ ra những mô hình hiệu quả, chúng ta có thể gợi ra những điều chỉnh cần thiết về cơ chế và chính sách của Nhà nước để nhiều người nghiện hơn được giải cứu, được tái sinh trong cuộc đời mới, qua đó đóng góp cho xây dựng xã hội có sự phát triển lành mạnh, hài hòa, bền vững.
Nhiều năm qua, mỗi tôn giáo ở Việt Nam đều đã có những mô hình độc đáo và hiệu quả mà qua đó nguồn lực về trí tuệ, đạo đức, văn hóa, vật chất và tinh thần được huy động để ứng phó với các vấn nạn xã hội. Những thành tựu ấy hoàn toàn có thể được nhân lên gấp bội nếu các tôn giáo có thể có nơi chốn, cơ hội để cởi mở đối thoại với nhau, chia sẻ kinh nghiệm thành công, đặc biệt tìm ra những hình hợp tác, phối hợp trong thời gian tới.
Một số hình ảnh khác của buổi tọa đàm
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo và TS. Vũ Thị Thu Hà chủ trì Tọa đàm
Toàn cảnh của buổi Tọa đàm
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Mục sư Đinh Thanh Hùng trong buổi Tọa đàm chiều 25/10/2022 tại Trung tâm giải cứu Aquila ở Thôn Đồng Vỡ, Xã Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm chiều 25/10/2022 tại Trung tâm giải cứu Aquila ở Thôn Đồng Vỡ, Xã Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.