Khuyến mãi Khuyến mãi

Thư mời viết bài tham dự cho Hội thảo khoa học: “Triết học về tôn giáo”

admin
Thứ Sáu, 09/09/2022

Triết học là một trong những ngành khoa học tiên phong nghiên cứu về tôn giáo. Các mối quan tâm chủ đạo, căn bản của Triết học về tôn giáo thường bao gồm: Bản chất của tôn giáo là gì? Tôn giáo từ đâu mà có? Tại sao tôn giáo tồn tại? Tôn giáo có cơ sở như thế nào trong tâm trí nói riêng và đời sống xã hội nói chung của con người? Triết lý tôn giáo có cấu trúc và đặc điểm phổ quát nào? Thế giới quan, nhân sinh quan tôn giáo? Tư duy và ngôn ngữ tôn giáo có những đặc điểm gì? Mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học? Tôn giáo sẽ suy yếu hay trở nên thắng thế trước các xu hướng lý tính hóa, hiện đại hóa và thế tục hóa trong thế giới ngày nay và mai sau? v.v.. Tiếp cận Triết học về tôn giáo dù đa dạng nhưng có thể được chia hai khuynh hướng chính: nhóm biện luận cho sự cần thiết của tôn giáo và khả năng tồn tại của tôn giáo như một hằng số nhân loại và nhóm đấu tranh và phê phán tôn giáo. Khuynh hướng nào cũng có những đại diện xuất sắc, có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Sau một thời gian dài giảng dạy và nghiên cứu, Triết học về tôn giáo ở Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại. Vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được làm đầy và những chủ đề gai góc chưa được giới thiệu, thảo luận hay triển khai trong thực tiễn. Trước tình hình nêu trên, điều cần thiết và có ý nghĩa là nhìn lại, tổng kết, đánh giá, hệ thống hóa các thành tựu của Triết học về tôn giáo nói chung và nghiên cứu sử dụng tiếp cận Triết học về tôn giáo ở Việt Nam. Đó là cơ sở để nhận thức về những gì chưa làm được, những khoảng trống cần lấp đầy, và đặc biệt là chỉ ra những viễn cảnh và đóng góp của chuyên ngành này ở Việt Nam cho nghiên cứu về tôn giáo.

Trước tình hình nêu trên, Viện Nghiên cứu Tôn giáo tiến hành tổ chức hội thảo học thuật nhằm làm rõ cách tiếp cận Triết học trong nghiên cứu tôn giáo. Hội thảo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản như sau:

1) Triết học về Tôn giáo: Những vấn đề cơ bản về cách tiếp cận và phương pháp (Triết học về Tôn giáo là gì? Triết học định nghĩa tôn giáo như thế nào? Nhiệm vụ, đối tượng nghiên cứu của Triết học về Tôn giáo; Các chủ đề chính trong Triết học về Tôn giáo; Thế mạnh và đặc thù của tiếp cận Triết học về Tôn giáo; Các nguyên tắc và phương pháp của Triết học về Tôn giáo, v.v..);

2)Những tác giả, công trình và khuynh hướng nổi bật trong Triết học về Tôn giáo (Giới thiệu và đánh giá những tác giả và công trình nổi bật, có ảnh hưởng lớn và lâu dài trong tiếp cận Triết học về tôn giáo; Giới thiệu và đánh giá những xu hướng, khuynh hướng, trường phái nổi bật trong tiếp cận Triết học về tôn giáo; Sự giao thoa của Triết học về tôn giáo với các chuyên ngành khác);

3)Triết học về tôn giáo ở Việt Nam: Ứng dụng và những kết quả chủ yếu (Những thành tựu và kết quả chủ yếu của Triết học về tôn giáo ở Việt Nam; Những tác giả và công trình tiêu biểu ứng dụng Triết học phương Tây vào nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam; Những chủ đề chính trong Triết học về tôn giáo ở Việt Nam; Những hạn chế, khoảng trống trong Triết học về tôn giáo ở Việt Nam);

4)Nhiệm vụ và triển vọng của Triết học về tôn giáo ở Việt Nam (Nhiệm vụ của Triết học về tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới là gì? Triết học về tôn giáo ở Việt Nam có triển vọng ra sao? Nên đi theo xu hướng và chủ đề nào? Triết học về tôn giáo ở Việt Nam có vị trí, vai trò và đóng góp như thế nào cho Tôn giáo học?

Hội thảo dự kiến tổ chức vào tháng 11 năm 2022, tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội. Chúng tôi trân trọng kính mời quý học giả, các nhà nghiên cứu viết tham luận gửi về cho Ban Tổ chức. Bài tham luận sử dụng font chữ Times New Roman, cỡ 14; giãn dòng 1,5 lines; không giới hạn số trang; xin gửi về ThS. Trần Anh Châu, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, số điện thoại: 0986666515; email: chauanhtran@gmail.com.Thời gian nhận tham luận: trước ngày 25 tháng 10 năm 2022.

Viện Nghiên cứu Tôn giáo rất mong nhận được sự tham gia và đóng góp của Quý vị đối với Hội thảo.

Xin trân trọng cảm ơn!