Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”
admin
Thứ Hai,
22/07/2024
Sáng ngày 5/7/2024, tại 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Ban chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp Bộ tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Hội thảo trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay” (Chương trình Biên giới) do PGS.TS. Chu Văn Tuấn làm Chủ nhiệm Chương trình, với sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình phát biểu khai mạc Hội thảo
Việt Nam có chung đường biên giới đất liền với ba quốc gia là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Trong những năm qua, do hiệu quả tích cực của các chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta, vùng biên giới đã có những biến đổi sâu sắc và to lớn trên nhiều mặt so với trước đây.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. PGS.TS. Chu Văn Tuấn cho biết, biên giới là vùng lãnh thổ quốc gia có vị trí vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, ổn định chính trị, an ninh quốc gia. PGS.TS. Chu Văn Tuấn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng biên giới trong sự tồn tại và phát triển vùng và quốc gia. Theo đó, sự ổn định của vùng biên giới đóng góp hết sức tích cực vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và đặc biệt là an ninh và hòa bình của các quốc gia, khu vực và thế giới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Phó Chủ nhiệm Chương trình cho biết, về lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế xuyên biên giới đã được thúc đẩy với sự hình thành các cặp cửa khẩu quốc tế, không chỉ kết nối giữa hai nước mà còn kết nối với nhiều nước trong khu vực thông qua các hành lang kinh tế. Nhờ đó, giá trị thương mại thông qua cửa khẩu biên giới trên đất liền đã không ngừng tăng lên và góp phần hình thành các đô thị biên giới thịnh vượng. Các hoạt động đầu tư cũng có sự phát triển, thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp, cụm công công nghiệp biên giới. Sự phát triển kinh tế vùng biên giới giúp các địa phương vùng biên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ thuần nông, lâm nghiệp sang các hoạt động kinh tế khác có giá trị gia tăng cao hơn.
TS. Đỗ Tá Khánh nhấn mạnh, tuy đã đạt được nhiều thành quả, kinh tế ở các vùng biên giới đất liền của Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục được quan tâm nghiên cứu, giải quyết kịp thời và thỏa đáng. Tiến sỹ mong muốn các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các đại biểu tham dự chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đồng thời thảo luận, trao đổi các quan điểm để có góc nhìn đa chiều về các hoạt động kinh tế vùng biên giới đất liền của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự phát biểu, trao đổi, trình bày tham luận tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo lắng nghe 05 báo cáo trình bày, tập trung vào các vấn đề chung về thương mại biên giới, phát triển hành lang kinh tế xuyên biên giới, họat động kinh tế của người dân khu vực biên giới, các vấn đề về lao động, việc làm, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng vùng biên giới. Hội thảo cũng được đông đảo các đại biểu và chuyên gia có mặt cùng bình luận, đặt câu hỏi, thảo luận về các vấn đề mà Chương trình trọng điểm cấp Bộ này quan tâm.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chương trình cho biết các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là rất bổ ích, giúp nhận diện, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế, xã hội, an ninh – chính trị của vùng biên giới đất liền Việt Nam, cung cấp các cơ sở lý luận và thực tiễn, các giải pháp và khuyến nghị chính sách quan trọng cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển vùng biên giới đất liền và trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với các nước láng giềng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị bền vững.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm