Khuyến mãi Khuyến mãi

Nhận diện quan điểm xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam

admin
Thứ Tư, 31/01/2024

Quốc tế hóa các vấn đề tôn giáo hay lợi dụng tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, là những chiêu trò, thủ đoạn thường thấy của các thế lực thù địch khi thực hiện chiến lược 'Diễn biến hòa bình', chống phá Việt Nam. Mới đây, khi chúng ta công bố và ra mắt Sách trắng tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, các thế lực thù địch lại gia tăng các luận điệu bịa đặt, công kích, chống phá về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Trong số 16 tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận, Phật giáo chiếm số lượng tín đồ nhiều nhất với trên 14 triệu người. Ảnh: Nguyễn Vân

Trong số 16 tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận, Phật giáo chiếm số lượng tín đồ nhiều nhất với trên 14 triệu người. Ảnh: Nguyễn Vân

Theo Sách trắng tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, năm 2023, Việt Nam hiện có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số. Tính đến năm 2023, Việt Nam có 36 tổ chức tôn giáo, thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động. Trong đó, Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ. Sau đó là Công giáo với trên 7 triệu giáo dân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng: Với chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có được một bức tranh tôn giáo đa sắc màu, được xếp loại là một trong những quốc gia có sự đa dạng tôn giáo nhất thế giới.

“Trước đây ở Việt Nam, trước đổi mới chỉ có một vài tôn giáo được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, từ sau đổi mới đến nay, chúng ta có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận về mặt tư cách pháp nhân. Các tôn giáo đủ điều kiện theo chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam thì đều được xem xét cho đăng ký sinh hoạt. Như vậy, có thể nói, bức tranh tôn giáo của Việt Nam phong phú, đa sắc màu và rất sôi nổi. Theo đánh giá của thế giới, Việt Nam có mức độ đa dạng tôn giáo thuộc dạng hàng đầu thế giới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn khẳng định.

Bức tranh tôn giáo ở Việt Nam đa sắc màu như vậy, thế nhưng, với thái độ thiếu thiện chí, các đối tượng trong tổ chức phản động Việt Tân, các trang báo điện tử việt ngữ VOA, RFI, RFA luôn cố tình phớt lờ những thành tựu và nỗ lực cố gắng của Việt Nam. Khi đã cố tình như vậy, chúng luôn lấy những sự việc đơn lẻ rồi quy kết, suy diễn thành bản chất. Từ đó, đưa ra những bình luận, nhận định mang tính quy chụp, áp đặt, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng đưa ra quan điểm cho rằng, ở Việt Nam đang diễn ra đàn áp tôn giáo, đối xử bất bình đẳng với các tôn giáo, Việt Nam không có tự do tôn giáo.

Để đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của người dân hoạt động theo đúng luật pháp, chúng ta cũng đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, mọi công dân Việt Nam đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Luật pháp cũng quy định cấm mọi hành động phân biệt, đối xử, kỳ thị tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân. Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, mọi công dân dù theo hay không theo tôn giáo, dù là công dân theo Công giáo hay Phật giáo, Cao Đài hay Hòa Hảo… đều sinh sống bình đẳng và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, chính điều đó đã tạo nên sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Vì thế, ở Việt Nam không có xung đột giữa các tôn giáo như đang diễn ra ở một số quốc gia trên thế giới.

Thực tế cho thấy, bất kỳ quốc gia nào cũng đều quản lý các hoạt động của tôn giáo, không có tôn giáo nào là được quyền miễn trừ, đứng ngoài pháp luật. Do vậy, quan điểm đòi hỏi phải để cho các tôn giáo hoạt động tự do ở Việt Nam, yêu cầu chính quyền không được quản lý vào các hoạt động của tôn giáo, để cho tôn giáo hoạt động tự do không theo các quy định của pháp luật, đây là những quan điểm, đòi hỏi phi lý. Ở nhiều quốc gia được mệnh danh là dân chủ, tiếng chuông chùa hay tiếng chuông nhà thờ đều được quy định về âm lượng và thời gian rung chuông. Nhiều nhà thờ, chùa chiền phải qua quá trình đăng ký phức tạp và phải đóng thuế cho Nhà nước mới được phép hoạt động.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đến thăm, chúc mừng các Giáo xứ trên địa bàn huyện Sa Thầy và huyện Ngọc Hồi nhân dịp lễ Giáng sinh. Ảnh: Ngọc Long

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đến thăm, chúc mừng các Giáo xứ trên địa bàn huyện Sa Thầy và huyện Ngọc Hồi nhân dịp lễ Giáng sinh. Ảnh: Ngọc Long

Trong khi đó, ở Việt Nam, Nhà nước luôn tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở tôn giáo hoạt động. Được Nhà nước giao đất và không thu tiền sử dụng đất. Tất cả những quy định, chính sách của Nhà nước với các tôn giáo đều được thể chế hóa bằng luật pháp. Theo Đại tá Nguyễn Hùng Sơn, Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Chính trị, điều đó cho thấy tính minh bạch và chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam với các tôn giáo. “Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, trong luật này thì tại Điều 9, ghi rõ tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Nhưng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để lừa đảo, mua chuộc, dụ dỗ, xâm hại đến quyền và lợi ích của công dân, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội” - Đại tá Nguyễn Hùng Sơn cho hay.

Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch luôn xác định, dân tộc, tôn giáo là một trong những mũi nhọn tiến công để châm ngòi nổ, khơi mào cho những hành động biểu tình, can thiệp nhân đạo, nhằm gây sức ép với chính quyền, thiết lập chế độ chính trị đối lập, gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Với chức năng đội quân công tác, cán bộ, chiến sĩ Quân đội có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục cho nhân dân, nhất là những đồng bào theo tôn giáo thấy được giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do. Để từ đó không tin, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch.

Đại tá Lê Xuân Thủy, Học viện Chính trị chia sẻ quan điểm: “Theo tôi, phải thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước. Theo đó, công tác tuyên truyền của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhằm giúp đồng bào nhận thức đúng việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoặc truyền đạo trái phép”.

Bản chất của các tôn giáo là hướng con người đến điều thiện, làm việc có ích cho cộng đồng, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người. Vì thế, ngay bản thân các tôn giáo cũng sẽ không chấp nhận những hành động cố ý, cố tình lợi dụng tôn giáo để kích động chia rẽ đoàn kết, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Cũng vì lẽ đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa chức năng đội quân công tác. Để qua đó, củng cố lòng tin, gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng tình đoàn kết quân dân bền chặt, không để kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Diệp Chi

Nguồn: https://baomoi.com/nhan-dien-quan-diem-xuyen-tac-tu-do-ton-giao-o-viet-nam/c/45892402.epi