Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đời sống tôn giáo Việt Nam đương đại (đời sống các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam)”
admin
Thứ Hai,
28/11/2022
Trong khuôn khổ hoạt động khoa học thường niên, sáng ngày 22 tháng 11 năm 2022 Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đời sống tôn giáo Việt Nam đương đại (đời sống các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam)”. Mục tiêu của Hội thảo là làm rõ hiện trạng của đời sống tôn giáo nội sinh ở Việt Nam hiện nay; nhận diện những xu thế biến đổi niềm tin, thực hành nghi lễ và tổ chức cộng đồng tôn giáo; những tương tác hai chiều giữa tôn giáo nội sinh và xã hội; nhận diện các vấn đề hiện thực đời sống tôn giáo nội sinh đang đặt ra, phân tích nguyên nhân và gợi ý nhằm điều chỉnh chính sách, pháp luật đối với hoạt động tôn giáo nói chung, hoạt động của các tôn giáo nội sinh nói riêng. Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chức sắc của các tôn giáo trao đổi, thảo luận và cập nhật những kết quả nghiên cứu, thông tin mới về tình hình thực tiễn của các tôn giáo nội sinh; từ đó thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong cả nước về tôn giáo, tín ngưỡng nói chung; chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giới thiệu các cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành khoa học xã hội và nhân văn trong nghiên cứu tôn giáo nói chung, các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam nói riêng.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo trình bày đề dẫn Hội thảo
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo trình bày đề dẫn Hội thảo
Hội thảo khoa học với chủ đề “Đời sống tôn giáo Việt Nam đương đại (đời sống các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam)” đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý của Trung ương và địa phương, cũng như một số vị chức sắc các tôn giáo nội sinh ở các tỉnh Nam Bộ. Hội thảo đã nhận được 30 bài tham luận gửi tới Ban tổ chức hội thảo. Nhìn chung, các bài viết đều tập trung vào tìm hiểu 7 tôn giáo nội sinh có nguồn gốc ra đời ngay trên mảnh đất Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ ân Hiếu nghĩa, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Minh Lý đạo - Tam tông miếu, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có bài viết tìm hiểu về Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo (còn gọi là Minh Sư đạo). Tuy Minh Sư đạo là tôn giáo du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX, nhưng đây là tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến sự ra đời của đạo Cao Đài và Minh Lý đạo. Do vậy, Hội thảo sẽ tập trung tìm hiểu 8 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, trong đó có 7 bài đề cập tới các tôn giáo nội sinh, 8 bài viết về đạo Cao Đài; 4 bài viết về Phật giáo Hòa Hảo; 3 bài viết về Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; những tôn giáo còn lại được đề cập đến trong 1 hoặc 2 bài viết.
Tuy đa dạng về chủ đề, nhưng nhìn chung các bài viết tập trung vào ba nhóm nội dung lớn sau:
Nhóm nội dung thứ nhất gồm 16 bài tập trung vào Tình hình, đặc điểm của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam hiện nay. Góc độ này được xem xét không chỉ ở phương diện bên ngoài, mà đã có những phân tích đánh giá sâu từ bên trong dưới góc độ niềm tin, thực hành và cộng đồng tôn giáo. Một số tham luận đã giới thiệu những đặc điểm nổi bật, tình hình hoạt động của các tôn giáo cụ thể như nhóm tác giả Nguyễn Thị Quế Hương và Nguyễn Ngọc Quỳnh với Minh Lý đạo - Tam tông miếu; nhóm tác giả Nguyễn Xuân Hậu và Huỳnh Bửu Trân với Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn; nhóm tác giả Nguyễn Văn Quý và Bùi Tấn Huy với Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Nguyễn Trung Hiếu với chi phái Bửu Sơn Kỳ Hương Vĩnh Xương ở An Giang; đặc biệt, có một số chức sắc tôn giáo như Lão sư Nguyễn Văn Dần, Thiên ân Lê Thị Ngọc Hà với Minh Sư đạo; Phó Huấn sư Nguyễn Ngọc Ánh với Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Đại cơ minh Hoàng Thị Niên Ân với Minh Lý đạo, v.v.... Về vấn đề thực tiễn tại địa phương của các tôn giáo nội sinh được đề cập đến trong các bài viết của nhóm tác giả Thạch Út Hậu và Trần Hồng Vân… Ngoài ra còn có những chủ đề khác như tham luận của Nguyễn Ngọc Mai phân tích những giá trị nhân văn cũng như vai trò với con người, gia đình, cộng đồng cư dân vùng đất Nam Bộ của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu nghĩa, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn. Nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Thu và Dương Hòa Lộc tìm hiểu về vai trò Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ trong sự sáng lập Phật giáo Hòa Hảo cũng như đời sống tín đồ theo đạo.
Nhóm nội dung thứ hai gồm 7 bài viết nằm trong chủ đề Hoạt động hướng tới xã hội của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam hiện nay. Một số tác giả như Nguyễn Văn Sỹ, Phạm Thanh Tuyền, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Thụ và Tạ Thành Giáo đưa ra các thông tin về hoạt động của nhiều tôn giáo trên các lĩnh vực từ xóa đói giảm nghèo đến y tế, giáo dục... Trong khi các tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, Mai Thùy Anh đi sâu vào phân tích hoạt động khám chữa bệnh của từng tôn giáo cụ thể mà tiêu biểu là Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam. Hay như nhóm tác giả Chử Thị Kim Phương và Trần Anh Châu tổng hợp số liệu về công tác phòng chống dịch Covid-19 của đạo Cao Đài. Tác giả Vũ Thanh Bằng, tác giả Nguyễn Văn Đới đều trình bày về những thành quả trong hoạt động từ thiện của Phật giáo Hòa Hảo.
Nhóm nội dung thứ ba được đề cập tới trong 7 bài viết là Những vấn đề đặt ra, khuyến nghị, giải pháp đối với các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam hiện nay. Trong nội dung này, sự biến đổi về một số phương diện của các tôn giáo nội sinh là một trong những vấn đề đáng chú ý trong xã hội đương đại. Tác giả Nguyễn Hồng Dương đã chỉ ra diễn trình biến đổi cộng đồng tương ứng với sự thay đổi hệ thống tổ chức của đạo Cao Đài Tây Ninh dựa trên cơ sở của 4 bản Hiến chương, trong đó 01 bản trước 1975, 03 bản sau năm 1975. Cùng chủ đề này, tác giả Nguyễn Thanh Xuân đã phân tích những biến đổi của đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo sau khi được công nhận pháp nhân thể hiện trên nhiều phương diện như cơ cấu tổ chức, phương thức hành đạo, hoạt động đạo sự... . Tác giả Đinh Quang Tiến cũng cho chúng ta thấy sự biến đổi trong hệ thống tổ chức và hoạt động của đạo Cao Đài; từ đó tác giả đưa ra một số vấn đề cần quan tâm chú ý. Trong nhóm nội dung thứ ba này còn phải kể đến bài viết đến từ các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương. Tác giả Nguyễn Phúc Nguyên của Ban Tôn giáo chính phủ nhấn mạnh đến sự đổi mới trong công tác với đạo Cao Đài của Đảng và Nhà nước ta từ năm 1990 đến nay. Tác giả Đào Văn Xem, đại diện Ban Tôn giáo Kiên Giang tập trung làm rõ những dự báo và giải pháp trong công tác với Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn trong thời gian tới. Bài viết của Ban Tôn giáo tỉnh An Giang nêu lên những vấn đề về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, sự hiểu biết giáo lý, pháp luật của một số tôn giáo khai đạo tại địa phương này như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo...
Nhìn chung, với cả 3 chủ đề, các tham luận đã đưa ra các ý kiến sâu sắc và hữu ích với các góc nhìn đa dạng, phong phú, phản ảnh nhiều khía cạnh khác nhau về đời sống (đạo và đời) của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, chúng ta có thể thấy được bức tranh sinh động, cập nhật về tình hình các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam hiện nay, đồng thời, cũng thấy được những vấn đề đặt ra đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và với chính các tôn giáo nội sinh.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA BUỔI HỘI THẢO