Khuyến mãi Khuyến mãi

Chiều ngày 28 tháng 11 năm 2022, tại Hội trường số 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Tôn giáo ở Việt Nam với đại dịch Covid-19

admin
Thứ Hai, 28/11/2022

Trong khuôn khổ hoạt động khoa học thường niên, ngày 28/11/2022 Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề:  Các tôn giáo ở Việt Nam với đại dịch covid 19. Như chúng ta đã biết, trong hai năm 2020-2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhìn lại công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam chúng ta nhận thấy: Sự thành công trong việc phòng chống dịch ở Việt Nam, ngoài chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của người dân còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức tôn giáo. Bằng những triết lý trong giáo lý, giáo luật của từng tôn giáo, các tổ chức tôn giáo đã phát động tín đồ, người dân chung tay với Chính phủ và các ban ngành chức năng trong công cuộc chống dịch. Hành động này của chức sắc và tín đồ các tôn giáo đã góp phần không nhỏ vào thành công của việc phòng chống Covid-19 tại Việt Nam, đồng thời, cũng là dịp để khẳng định vai trò, giá trị của các tôn giáo, qua việc gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong công tác phòng dịch.

Để hiểu rõ hơn những đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngày 28/11/2022 Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề “Tôn giáo ở Việt Nam với đại dịch Covid-19” nhằm làm rõ những hoạt động tham gia chống dịch của các tổ chức tôn giáo và những đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tìm hiểu những khó khăn cũng như sự thích ứng của các tôn giáo trong đại dịch để đảm duy trì hoạt động tôn giáo; Trên cơ sở đó, tiếp tục làm rõ giá trị, vai trò, đóng góp của các tôn giáo với đời sống xã hội, đồng thời lan tỏa giá trị tôn giáo về tinh thần yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong bối cảnh chống dịch.

Hội thảo khoa học với chủ đề Các tôn giáo ở Việt Nam với đại dịch covid-19  nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý ở Trung ương và địa phương cũng như một số vị chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam. Hội thảo 42 bài tham luận với các nội dung và chủ đề khác nhau. Có thể nói, các bài tham luận đều khẳng định và ghi nhận một cách tích cực sự đóng góp của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Các thông tin của các tham luận cũng cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 thành công còn có sự chỉ đạo tích cực của chính quyền các cấp và sự phát huy, lan toả các giá trị tôn giáo vào đời sống xã hội trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp ở nước ta. Chính sự phối hợp giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo, sự đồng thuận của người dân cùng chức sắc và tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam đã làm cho công cuộc chống dịch covid-19 ở Việt Nam đạt được những thành tựu tích cực.

Mặc dù các bài viết gửi đến hội thảo đề cập đến các khía cạnh khác nhau khi các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia tích cực cùng Nhà nước chống dịch Covid-19, nhưng tập hợp lại có thể thấy các bài hội thảo tập trung vào ba nhóm chủ đề lớn sau:

Nhóm nội dung thứ nhất gồm 13 bài viết tập trung vào chủ đề: Các tôn giáo ở Việt Nam tham gia phòng chống dịch Covid 19: Bức tranh toàn cảnh và nhìn từ thực tiễn các địa phương. Trong chủ đề này một số tác giả cung cấp một cách nhìn khái quát từ nhiều tổ chức tôn giáo cùng tham gia vào mặt trận chống dịch. Tác giả Lê Tâm Đắc với bài viết “Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam với công cuộc phòng chống dịch Covid-19” đã cho thấy một thực trạng rõ nét là dù với đường hướng hành đạo khác nhau nhưng khi có nguy cơ đại dịch, mọi tôn giáo đều sẵn sàng tham gia chống dịch. Tác giả cũng cho biết công tác chống dịch ở những thời điểm khác nhau đều có sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng và những định hướng của những chức sắc tôn giáo với tín đồ; TS. Nguyễn Khắc Đức trong tham luận của mình tập trung vào khía cạnh những đóng góp của các tôn giáo cho phòng chống dịch. Đóng góp không chỉ những giá trị vật chất mà bao gồm cả tinh thần và các giá trị nhân văn tôn giáo cho cộng đồng xã hội. Theo tác giả, các tôn giáo đóng góp trên ba lĩnh vực: Hướng dẫn tín đồ, cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị hỗ trợ chống dịch và trực tiếp tham gia chống dịch. PGS.TS Nguyễn Hồng Dương và tác giả Nguyễn Văn Thuyên đều đề cập tới nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19. Tác giả Nguyễn Hồng Dương đã cho thấy từ sớm Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng phát huy nguồn lực tôn giáo; nguồn lực tôn giáo đến từ đa dạng tôn giáo ở Việt Nam. Ngoài ra tác giả cũng cho người đọc thấy rõ các nguồn lực cụ thể của một số tôn giáo như Công giáo, Phật giáo trong phòng chống dịch Covid-19.

Ở góc nhìn từ thực tiễn các địa phương, các tham luận của các Ban tôn giáo tỉnh Tiền Giang, Ban tôn giáo tỉnh Ninh Bình, Ban tôn giáo tỉnh Đồng Nai, Ban tôn giáo tỉnh Lâm Đồng, Ban tôn giáo tỉnh Kon Tum, Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai, đều cho thấy một thực tiễn sinh động của các tôn giáo tại các tỉnh này đã tham gia tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là công tác chỉ đạo phối hợp của Ban tôn giáo địa phương với cơ quan Trung ương và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn trong công cuộc chống dịch. Bài viết của tác giả Nguyễn Tường đã cung cấp thông tin về các tổ chức tôn giáo tại Ninh Thuận đã phòng chống dịch như thế nào. Cùng chủ đề chống dịch tại địa phương, còn có thể kể đến các thực tiễn khác từ Hải Phòng, Bắc Ninh qua các bài tham luận của Ths Lê Tuấn Dũng và nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải.

Nhóm nội dung thứ hai được nhiều tác giả đề cập đến trong kỷ yếu hội thảo tập trung vào chủ đề: Kitô giáo ở Việt Nam tham gia phòng chống dịch Covid-19. Nhóm nội dung này có 10 bài đề cập. Những bài viết thuộc nhóm chủ đề này tập trung vào việc đóng góp của các tôn giáo thuộc nhóm Kitô ở Việt Nam cho công cuộc chống dịch bệnh Covid-19 như các hệ phái Tin Lành, Công giáo, Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky tô… Trong số này, đáng chú ý là bài viết của TS. Phạm Huy Thông, bài viết đã cho thấy một cái nhìn toàn cảnh về giáo hội Công giáo Việt Nam với công cuộc chống dịch, tác giả cho biết tại đợt dịch lần thứ tư, thành phố Hồ Chí Minh có 546 tình nguyện viên Công giáo. Xuân Lộc đợt 1 có 102 người và đợt 2 có 152 người. Điều đáng nói là các bác sĩ ở bệnh viện đến các bệnh nhân đều hết sức ca ngợi tinh thần phục vụ người bệnh của các thiện nguyện người Công giáo. Họ coi bệnh nhân như người nhà, nên săn sóc không kể ngày đêm. Đặc biệt những bệnh nhân nặng nguy kịch, hấp hối, họ an ủi đến khi bệnh nhân đến lúc tắt thở rồi giúp các nghi thức tiễn biệt cuối cùng cho người chết. Rồi khi các bệnh nhân qua đời để trong các tủ lạnh, họ vẫn đến đọc kinh cầu nguyện cả sáng và tối. Mục sư Trần Thanh Truyện qua bài tham luận đã cho biết quan điểm, chủ trương của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm trong việc ứng phó với đại dịch là dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Trong đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã yêu cầu người bệnh và những người có liên quan phải cách ly để tránh sự lây lan trong cộng đồng, đây là một hành động thiết thực vì con người, do đó Giáo hội luôn đồng thuận với các chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Từ bài tham luận của mình, tác giả Hoàng Văn Tùng. Trưởng Ban điều phối Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô Việt Nam cho biết: Giáo hội luôn đồng nhất quan điểm, luôn luôn tuân thủ luật pháp các quốc gia sở tại và những chỉ đạo của các ban ngành nhà nước đặc biệt là các chủ trương phòng chống dịch. Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã có đóng góp rất lớn cho Nhà nước trong công tác phòng dịch Covid-19 cụ thể như: Tính từ tháng 3/2020 đến đầu tháng 9/2021 tổ chức từ thiện của Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã thực hiện 15 dự án với tổng chi phí 1,08 triệu USD tương đương 24 tỷ 804 triệu đồng. Tham luận của nhà báo Nguyễn Minh Hải, cho thấy một bức tranh khá chi tiết về công tác phòng chống dịch bệnh của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. TS Đào Thị Đượm và Ths Nguyễn Thị Bích Ngoan đề cập tới công tác phòng chống dịch của Giáo hội Công giáo Việt Nam qua sự dấn thân của các tu sĩ Công giáo. Tác giả Vũ Văn Hiếu cung cấp cái nhìn toàn cảnh chống dịch của giáo hội Công giáo, các bài viết của TS. Nguyễn Xuân Hùng; TS Nguyễn Thị Quế Hương, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết các thông tin chi tiết về công tác phòng chống dịch của các tổ chức Tin lành ở Việt Nam. Ths Lê Văn Tuyên đưa ra một nghiên cứu về công tác phòng chống dịch bệnh qua việc phỏng vấn một số mục sư Tin lành sau thời điểm đỉnh dịch. Theo tác giả, đại dịch Covid-19 đã thay đổi sâu sắc cuộc sống của con người trên toàn cầu, làm mất nền tảng cơ bản nhất của các hệ thống xã hội, văn hóa và kinh tế, từ đó dẫn đến sự thay đổi của các cấu trúc xã hội, trong đó không thể không kể đến đời sống tôn giáo. Bài viết đã phân tích ảnh hưởng của thảm họa Covid-19 đến đời sống sinh hoạt tôn giáo của người Tin lành và cách họ vượt qua những khó khăn trong đại dịch…

Nhóm chủ đề thứ ba các tham luận tập trung vào nội dung: Phật giáo và một số tôn giáo khác ở Việt Nam tham gia phòng chống Covid-19. Cùng với Kitô giáo, Phật giáo là tôn giáo lớn ở Việt Nam và có nhiều gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt trong công tác chống dịch. Chủ đề Phật giáo đóng góp cho công cuộc chống dịch ở Việt Nam được sự quan tâm viết bài của các tác giả như Ths Nguyễn Phúc Nguyên, Hoàng Thu Hường. TS Trương Thu Trang cho biết Phật giáo tại Bạc Liêu đã tham gia vào chống dịch qua việc định hướng tín đồ Phật tử tuân thủ các nguyên tắc chống dịch, trợ giúp vật tư, thuốc men và an định tinh thần trong đại dịch. Ngoài ra còn có các bài của tác giả Nguyễn Văn Quý, nói về ứng phó của Giáo hội Phật giáo trong đại dịch Covid-19, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai bàn về áp dụng triết lý Phật giáo vào hỗ trợ tinh thần cho những doanh nhân là Phật tử bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19. TS Nguyễn Kim Thoa với hoạt động của hệ thống an sinh xã hội của Phật giáo trong đại dịch, tác giả Hồ Bảo với góc nhìn của Phật giáo về dịch bệnh và các quan điểm ứng phó. Tác giả Nguyễn Minh Diệp viết về hoạt động chống dịch của một số đạo tràng ở Sơn La. Nhìn chung, cũng như bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam với tinh thần từ bi, hỉ xả, cứu khổ cứu nạn, Phật giáo đã có nhiều đóng góp tích cực vào phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam.

Cùng với Phật giáo, các bài tham luận còn đề cập tới sự tham gia chống dịch của tôn giáo Baha i, Islam, các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo. Các tác giả viết về chủ đề này là các chức sắc, tín đồ và các nhà khoa học như Nguyễn Đình Thoả, Mai Thuỳ Anh, Kim Thanh Sản, Phan Kim Ngân, Trương Thuý Trinh… Tuy góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau những các tả giả đều thống nhất ghi nhận những đóng góp của tôn giáo vào phòng chống dịch là rất lớn.

Trên đây là những nội dung và chủ đề cơ bản mà các bài tham luận đã đề cập. Bên cạnh đó, thông qua các bài viết, hội thảo cũng có được những thông tin về các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo trong bối cảnh dịch bệnh, những cách thức mà các tôn giáo đã vượt qua đại dịch. Đồng thời, hội thảo cũng đưa được chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng trong việc phát huy nguồn lực xã hội nói chung, nguồn lực tôn giáo nói riêng. Có thể, các bài tham luận chưa bao quát được tất cả mọi khía cạnh, vấn đề của các tôn giáo tham gia ứng phó với đại dịch Covid, nhưng qua các bài tham luận, đã cho thấy được một bức tranh phong phú, sinh động, cập nhật về các tôn giáo ở Việt Nam tham gia phòng chống đại dịch Covid-19, bởi tác giả của nhiều bài tham luận chính là đại diện của các tôn giáo, của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến các địa phương. Chính vì vậy, những nội dung của Hội thảo, ngoài việc nhìn lại những đóng góp của tôn giáo đối với việc phòng chống dịch bệnh Covid, còn là đưa ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là có những tư vấn chính sách nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực tôn giáo trong ứng phó với các vấn đề xã hội tương tự như dịch bệnh Covid (nếu có trong tương lai).

 

Viết bình luận của bạn