Khuyến mãi Khuyến mãi

Chức năng và nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Tôn giáo

VIỆN NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO, VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT
Thứ Sáu, 12/08/2022

Theo QĐ số: 1056/QĐ-KHXH-TC ngày 28/07/2021 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Viện Nghiên cứu tôn giáo có chức năng và nhiệm vụ sau đây

I. Vị trí và chức năng

- Vị trí, địa điểm

1. Viện Nghiên cứu Tôn giáo là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là Viện Hàn lâm);

2. Viện Nghiên cứu Tôn giáo có trụ sở tại số 27, Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội; tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là:

INSTITUTE FOR RELIGIOUS STUDIES, viết tắt là: IRS

Điện thoại: (84) (024) 39784870; Fax: (84) (024) 39763813

- Tư cách pháp lý

Viện Nghiên cứu Tôn giáo có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật; đặt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm, chịu sự quản lý trực tiếp của Viện Hàn lâm; đồng thời chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực công tác có liên quan theo quy định của pháp luật.

- Chức năng

Viện Nghiên cứu Tôn giáo có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới và các tín ngưỡng, tôn giáo trong nước nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tổ chức tư vấn về tín ngưỡng, tôn giáo; đóng góp, phản biện đối với các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia đào tạo sau đại học về tôn giáo; tham gia bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tôn giáo, phát triển tiềm lực nghiên cứu về tôn giáo của cả nước.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm của Viện Nghiên cứu Tôn giáo và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Nghiên cứu những vấn đề lí luận về tôn giáo học; những vấn đề thực tiễn của tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam trong lịch sử và hiện nay; lịch sử hình thành, phát triển và quá trình du nhập, tiếp biến của các tín ngưỡng, tôn giáo trong nước, góp phần làm sáng rõ vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong văn hoá và phát triển ở Việt Nam.

3. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về tôn giáo trên thế giới và Việt Nam, cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách, pháp luật tôn giáo ở Việt Nam.

5. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực tôn giáo học, tham gia đào tạo đại học, sau đại học phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và theo đề nghị của các tổ chức, cơ quan khác.

6. Tham gia góp ý và phản biện khoa học các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương và theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

7. Tổ chức tư vấn khoa học về tôn giáo, tín ngưỡng và cung cấp các dịch vụ công phù hợp khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

8. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tín ngưỡng, tôn giáo. Trao đổi thông tin khoa học với các tổ chức cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; quản lý hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện của Viện Nghiên cứu tôn giáo; xuất bản các ấn phẩm khoa học; đăng tải và truyền bá các kết quả nghiên cứu, các kiến thức, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

9. Hợp tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng nghiên cứu khoa học và đào tạo với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các quy chế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

10. Quản lý về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị; tài sản và kinh phí của Viện Nghiên cứu Tôn giáo theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm.

11. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo: 01 Viện trưởng và có từ 1 đến 2 Phó Viện trưởng.

2. Các phòng nghiên cứu:

a). Phòng Nghiên cứu Lý luận và Chính sách Tôn giáo.

b). Phòng Nghiên cứu Phật giáo.

c). Phòng Nghiên cứu Kitô giáo.

d). Phòng Nghiên cứu Tín ngưỡng.

e). Phòng Nghiên cứu Islam và các tôn giáo khác.

3. Phòng chức năng, nghiệp vụ:

Phòng Hành chính, Quản lý khoa học và Thư viện ;

4. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo  (Lãnh đạo Tạp chí và Tòa soạn)

V. Hội đồng khoa học

1. Hội đồng khoa học thực hiện chức năng tư vấn cho Viện trưởng về các vấn đề nghiên cứu khoa học và các hoạt động có liên quan của Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Thành viên Hội đồng khoa học là người có trình độ chuyên môn cao, có uy tín và kinh nghiệm ở trong và ngoài Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Số lượng và nhân sự của Hội đồng khoa học do Viện trưởng quyết định, sau khi có sự thỏa thuận của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo hoạt động theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành.

2. Hội đồng khoa học gồm có Chủ tịch Hội đồng, Thư ký Hội đồng và các ủy viên.