Khuyến mãi Khuyến mãi

Sáng ngày 30 tháng 11 năm 2022, tại Hội trường số 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo với chủ đề: Triết học về Tôn giáo

admin
Thứ Năm, 01/12/2022

Trong các năm qua, để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo, để thúc đẩy lĩnh vực Tôn giáo học ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tổ chức một loạt các hội thảo chuyên đề, tập trung làm rõ các cách tiếp cận về tôn giáo (năm 2019), tiếp cận Nhân học về tôn giáo (năm 2020), và tiếp cận Tâm lý học về tôn giáo (năm 2021). Kết quả của những nỗ lực trong mấy năm qua là công trình “Một số vấn đề về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam hiện nay” (2021). Mặc dù kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cách tiếp cận Tôn giáo học nói riêng, các cách tiếp cận trong nghiên cứu tôn giáo nói chung ngày càng được làm rõ, điều đó giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của ngành Tôn giáo học.

Năm 2022, Viện Nghiên cứu Tôn giáo tiếp tục triển khai tổ chức Hội thảo Triết học về tôn giáo nhằm làm rõ lịch sử, tiến trình, các khuynh hướng của Triết học về tôn giáo trên thế giới và sự vận dụng cách tiếp cận này cũng như các kết quả đạt được trong giới nghiên cứu ở Việt Nam. Cụ thể hơn, Hội thảo khoa học hôm nay không hướng đến mục đích làm rõ mối quan hệ giữa tôn giáo và triết học, cũng không phải hướng đến mục đích là phân biệt triết học tôn giáo, triết học về tôn giáo, hay thần học mà là tìm hiểu triết học với tính cách là một cách tiếp cận trong nghiên cứu tôn giáo. 

Điều thực sự cần thiết và có ý nghĩa là nhìn lại, tổng kết, đánh giá, hệ thống hóa các thành tựu của Triết học về tôn giáo nói chung và nghiên cứu sử dụng tiếp cận Triết học về tôn giáo ở Việt Nam nói riêng. Đó là cơ sở để nhận thức về những gì còn chưa làm được, những khoảng trống cần lấp đầy, đặc biệt là chỉ ra viễn cảnh và đóng góp của chuyên ngành này ở Việt Nam cho nghiên cứu về tôn giáo.

Hội thảo lần này được tổ chức với mục đích làm rõ những chủ đề chính như sau: 1) Chia sẻ, trao đổi các kết quả mới của Triết học về tôn giáo; 2) Khái quát, đánh giá khách quan và giới thiệu những thành tựu và khuynh hướng mới của Triết học về tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam; 3) Chỉ ra những triển vọng cho lĩnh vực nghiên cứu này; 4) Kết nối, quy tụ những chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo từ tiếp cận Triết học; 5)  Nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng, vị thế, và khả năng ứng dụng của Triết học vào nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam.

Trong suốt quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức đã vui mừng nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ từ đông đảo các nhà nghiên cứu gần, xa. Kết quả là Hội thảo đã nhận được 34 báo cáo, trình bày các đóng góp ở nhiều chiều cạnh khác xung xung quanh tâm điểm Triết học về tôn giáo. Nội dung các báo cáo nhận được có thể được chia thành 2 nhóm lớn, nhóm thứ nhất bàn về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của Triết học về tôn giáo và nhóm thứ hai vận dụng nhãn quan Triết học về tôn giáo để khảo cứu về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và về thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Trong nhóm thứ nhất, các báo cáo nhằm làm rõ các vấn đề về lịch sử hình thành và phát triển, các khái niệm cơ bản, các triết gia tiêu biểu và các khuynh hướng chính của Triết học về tôn giáo như một lĩnh vực đã định hình ở phương Tây. Về lịch sử của triết học về tôn giáo như một ngành, đáng chú ý là tham luận của Nguyễn Anh Tuấn khi ông trình bày rõ về đối tượng và nhiệm vụ của triết học (về) tôn giáo và của Nguyễn Thị Thanh Hải với một khái quát về triết học về tôn giáo. Bên cạnh đó là tham luận của Hoàng Văn Chung với đóng góp một tổng quan về tiến trình và những khuynh hướng chính trong Triết học về tôn giáo hiện nay. Tham luận của Nguyễn Quang Hưng đi sâu giải quyết vấn đề khái niệm trong quan hệ giữa triết học và tôn giáo. Cùng về chủ đề này, Vũ Văn Chung mang đến một khái luận về thần thoại và nghi lễ, cùng với những đóng góp của triết học về tôn giáo.

Về các triết gia tiêu biểu, có sự phân tách rõ hai trường phái là Mác xít và ngoài Mác xít. Về trường phái ngoài Mác xít, Đỗ Minh Hợp giới thiệu hiện tượng học tôn giáo của M.Scheler. Hiện tượng học là một lĩnh vực có liên hệ gần gũi với triết học về tôn giáo, nếu không muốn nói là thoát thai từ triết học. Hoàng Ngọc Thắng, trong khi đó, mang đến một khái lược về tư tưởng triết học tôn giáo của B. Pascal. Nguyễn Tuấn Dũng và Nguyễn Bình có một đóng góp về quan điểm của Karl Jasper về tôn giáo. Về trường phái Mác xít, Chử Thị Kim Phương và Trần Anh Châu giới thiệu về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong triết học về tôn giáo.

Nhóm thứ hai, gồm các báo cáo thể hiện việc phân tích với các truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể dưới nhãn quan hay vận dụng phương pháp của Triết học. Nhóm này khá đa dạng, từ phân tích các triết lý về thế giới quan, nhân sinh quan của các truyền thống tôn giáo lớn của nhân loại: (i) Phật giáo (Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Hùng Hậu, Hoàng Thị Thơ, Nguyễn Văn Quý, Trần Thị Thúy Ngọc); (ii) Nho giáo (Nguyễn Tài Đông, Trương Thúy Trinh); (iii) Công giáo (Phạm Huy Thông).

Một số tham luận đi sâu phân tích phương diện đạo đức học tôn giáo, dưới cách tiếp cận Triết học. Đáng chú ý là tham luận của Đặng Thị Lan, Hoàng Thị Thơ, Ngô Quốc Đông khi bàn về đạo đức học Phật giáo và quan hệ giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội; về Tây học và Tây giáo ở Hàn Quốc thời hậu kỳ Jo-seon của Lương Mỹ Vân.

Bên cạnh đó, một loạt các tham luận đi sâu phân tích chiều kích triết học của tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam như của Trần Đăng Sinh và Trần Thị Hà Giang; Nguyễn Ngọc Mai; Nguyễn Hữu Thụ; Mai Thùy Anh. Bên cạnh đó là tham luận của Nguyễn Thị Quế Hương với tham luận bàn về triết lý nhân sinh của một tôn giáo nội sinh ở Việt Nam, đó là đạo Cao Đài.

Hội thảo cũng nhận được các báo cáo thảo luận về đường lối, chính sách với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở Việt Nam, về tư tưởng của Hồ Chí Minh về tôn giáo dưới tiếp cận Triết học về tôn giáo, như có thể thấy trong các báo cáo của Nguyễn Văn Thủy và Phạm Hoàng Anh; Nguyễn Văn Nhật; Nguyễn Hải Hà; Nguyễn Thanh Huyền và Phạm Thị Phương Anh giới thiệu những quan điểm cơ bản của V.I.Lenin về tôn giáo; Điền Văn Dần giới thiệu tư tưởng của Ph. Ăngghen về tôn giáo; Nguyễn Đức Dũng và Nguyễn Viết Tiến giới thiệu tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Ngoài ra, còn có các tham luận thảo luận về giảng dạy tôn giáo ở cấp đại học tại Việt Nam (Nguyễn Huy Điểm).

Như có thể thấy, sự đa dạng của các chủ đề chúng tôi nhận được cho thấy sự phong phú của của mối quan tâm Triết học về tôn giáo. Vấn đề đặt ra là trong hiện thực tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, chúng ta nên ưu tiên cho những chủ đề nào và vận dụng các trường phái trong Triết học về tôn giáo ở phương Tây như thế nào để cùng đóng góp cho sự lớn mạnh của Triết học về tôn giáo ở Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung. Hội thảo là sự mở đầu cho những thảo luận về những vấn đề của Triết học về tôn giáo.

 

 

Viết bình luận của bạn